Graduale Simplex - Ca Tiến Cấp Phổ Thông - Bản tiếng Việt
LỜI MỞ ĐẦU
I. Bản chất của ấn bản này
1. Với mong muốn cổ vũ
thánh ca và sự tham dự tích cực của các tín hữu vào các cuộc cử hành thánh bằng
ca hát, Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh đã
truyền rằng, ngoài việc hoàn thành ấn bản mẫu của các bài hát theo giai điệu
Grêgôriô, cũng phải soạn “một ấn bản gồm các giai điệu đơn sơ hơn, để dùng cho
các nhà thờ nhỏ” (số 117). Thể theo ước muốn của các Nghị Phụ Công Đồng, ấn bản
này đã được các nhà chuyên môn soạn thảo cho các bài hát được qui định cho Phần
Chung và Phần Riêng của Thánh Lễ, và được dành cho các nhà thờ gặp khó khăn khi
phải thể hiện đúng mức các giai điệu phức tạp hơn của quyển Graduale Romanum.
2.
Graduale Romanum phải có vị thế cao nhất đối với Hội Thánh vì tinh thần nghệ
thuật và đạo đức đáng ngưỡng mộ và dồi dào phong phú, cũng như giá trị toàn vẹn
của nó. Vì vậy, điều đáng ao ước là, theo sự sắp xếp mới trong quyển Ordo
Cantus Missae (Typis Polyglottis Vaticanis 1972), nó được thể hiện một cách
thích hợp trong các nhà thờ mà ca đoàn có đủ trình độ kỹ thuật cần thiết để thể
hiện đúng mức các giai điệu phức tạp hơn.
Đàng khác, cả trong các nhà thờ nhỏ
đang sử dụng quyển Graduale simplex, cũng nên giữ lại một số phần của Graduale
Romanum, nhất là những phần dễ hơn hay thông dụng hơn mà dân chúng đã quen rồi.
3. Vì vậy, không nên có sự tách biệt không cần thiết giữa kho tàng của hai cuốn
sách này; trái lại, có thể chấp nhận một số pha trộn về các hình thức được lấy
từ mỗi nguồn để có sự đa dạng và thích hợp hơn.
4. Cũng thế, theo ý kiến khôn
ngoan, việc thể hiện âm nhạc của Graduale simplex chẳng những không làm nghèo
đi nền nhạc của giai điệu Grêgôriô nghèo đi, nhưng làm cho nó phong phú hơn. Thứ
nhất, về việc chọn lựa bản văn, vì nó dẫn tới các bản văn khác hiện không có
trong Sách Lễ Rôma; thứ hai, cả về các giai điệu, vì không ít các giai điệu
khác được chấp nhận và được đề nghị từ nguồn đích thực của nhạc Grêgôriô; và thứ
ba, cả dưới khía cạnh mục vụ, vì nó chứng tỏ có khả năng giúp cho các cộng đoàn
nhỏ cũng có thể cử hành phụng vụ bằng thánh ca.
II. Các tiêu chuẩn được sử dụng
5. Để việc cử hành Thánh Thể dưới hình thức cao sang hơn―nghĩa là bằng ca
hát―có thể được thực hiện ở bất cứ đâu, và có thể có các tín hữu tham dự, thì
thường cần phải có các giai điệu đơn sơ hơn.
6. Thế nhưng các giai điệu đơn sơ
không thể được rút ra từ các giai điệu phức tạp hơn hiện có trong cuốn Graduale
Romanum, vì không có cách nào để gỡ bỏ các nốt nhạc khác hay các khúc luyến
láy; việc soạn ra các giai điệu tân-Grêgôriô cho các bản văn của Sách Lễ Rôma
cũng không phù hợp.
7. Vì vậy các giai điệu đích thực, đáp ứng mục đích được đề
nghị, đã được tuyển chọn cẩn thận từ kho tàng các bài hát theo nhạc bình ca
Grêgôriô trong các ấn bản mẫu đã hiện hữu, cũng như trong các nguồn thủ bản thuộc
Nghi Lễ Rôma hay các Nghi Lễ Latinh khác.
8. Nhưng sự tuyển chọn mới từ các
giai điệu này cũng đã cho ra đời một bộ các văn bản mới: trên thực tế, giai điệu
đơn sơ mới được tạo ra rất hiếm khi trùng lời với các văn bản hiện hữu trong
Sách Lễ. Vì thế mỗi khi không thể có những sự hoà hợp một cách nào đó, thì các
phần được chọn là những phần có lời giống với bản văn của Sách Lễ Rôma, hay ít
ra là gần với nghĩa của bản văn này. Nhưng thường xuyên hơn, lời của đối ca được
lấy từ Thánh vịnh mà thiếu một giai điệu đơn sơ và vì thế không thể được đặt
làm đối ca, thì được đặt như một câu xướng trong chính Thánh vịnh được hát sau
đối ca.
9. Vì các bản văn mới này chỉ được chọn vì lý do âm nhạc, cho nên chúng
hoàn toàn không được phép sử dụng nếu không có nốt nhạc.
III. Các bài hát của
Kyriale simplex (Bộ Lễ Phổ Thông)
10. Các phần được sắp xếp để làm thành 5 bộ
đơn giản cho Phần Thường Lễ, nhưng tự chúng không có liên quan gì với cấp bậc
các lễ phụng vụ hằng ngày. Trước hết là để đáp ứng ước muốn đặc biệt của Công Đồng:
“Phải dự liệu sao để các tín hữu có thể cùng đọc hoặc cùng hát chung, ngay cả bằng
La ngữ, các phần thường lễ dành cho họ trong Thánh Lễ” (Hiến Chế Phụng Vụ, số
54). Tuy nhiên riêng mỗi phần được phân biệt bằng các số thứ tự để có thể dễ
dàng hơn khi muốn soạn Phần Thường Lễ từ các phần khác nhau được chọn lọc.
11. Ở
cuối thánh thi Gloria in excelsis (Kinh Vinh Danh), bắt nguồn từ nghi lễ
Ambrôsiô, có câu thưa Amen theo giai điệu đơn giản hơn, nhưng không khác với một
truyền thống Đức xưa hơn.
12. Cộng đoàn không buộc phải hát đầy đủ kinh Lạy
Chiên Thiên Chúa, mà chỉ cần đáp lại bằng các câu “Xin thương xót chúng con” và
“Xin ban bình an cho chúng con.”
IV. Thể thức các bài hát Thánh Lễ
13. Đối với
các bài Ca Nhập Lễ, Ca Dâng Lễ và Ca Hiệp Lễ, hình thức thể hiện là lặp lại đối
ca sau các câu Thánh vịnh.
14. Đối với các bài hát xen giữa các bài đọc, tuỳ
các mùa khác nhau trong năm, thì theo những cách này:
a) Bài đáp ca Thánh vịnh,
với câu đáp Thánh vịnh hay câu đáp Allêluia;
b) Thánh vịnh không có câu đáp,
thường được gọi là tractus [Thánh vịnh đọc liền một mạch, cũng gọi là Ca Tiếp
Liên Mùa Chay];
c) Allêluia cùng với một vài câu Thánh vịnh vào mùa có hát
Allêluia, hay các câu tung hô khác không có Allêluia trước bài Tin Mừng vào mùa
Chay.
V. Cấu trúc các Thánh Lễ
15. Về Phần Riêng theo Mùa, trừ Mùa Chay, các
Chúa Nhật không có bài hát riêng, nhưng cho từng mùa phụng vụ, có một hay nhiều
cấu trúc để chọn lựa cho các Chúa Nhật của mùa ấy. Tuy nhiên các lễ về Chúa có
những bài hát riêng.
16. Trong Phần Riêng Các Thánh, có các bài hát Thánh Lễ
riêng cho các lễ ưu tiên hơn lễ Chúa Nhật hôm ấy.
17. Phần Chung Các Thánh được
sắp đặt cùng một kiểu như Phần Chung Sách Lễ Rôma, nhưng theo luật là đối với mỗi
nghi thức cho các Thánh, chỉ có một cấu trúc nhưng với nhiều bài hát cho các phần
khác nhau của Thánh Lễ, để từ đó có thể chọn ra phần này hay phần khác thích hợp
hơn với vị Thánh.
VI. Những người cần thiết để hát các bài của Graduale simplex
(Ca Tiến Cấp Phổ Thông)
18. Lưu ý tới nguyên tắc được đề ra trong Hiến Chế về
Phụng Vụ Thánh rằng “Là thừa tác viên hay là tín hữu, trong các việc cử hành phụng
vụ, mỗi người khi chu toàn phận vụ, chỉ thi hành trọn những gì thuộc lãnh vực
mình tùy theo bản chất sự việc và những qui tắc phụng vụ” (số 28), do cấu trúc
các bài hát của Ca Tiến Cấp Phổ Thông:
a) Ca xướng viên bắt đầu hát các đối ca,
và xướng lên câu Thánh vịnh, cộng đoàn đáp lại. Thánh vịnh cũng có thể do ca
đoàn hát.
b) Cộng đoàn tín hữu hát các đối ca và các đáp ca Thánh vịnh giữa các
bài đọc. Phần của các tín hữu cũng có thể được nhường cho ca đoàn; tuy nhiên, tốt
hơn nên để cho toàn thể cộng đoàn hát ít là các câu đáp Thánh vịnh giữa các bài
đọc, đồng thời cũng phải lưu tâm đến bản chất và khả năng hát của họ.
VII. Về
việc sử dụng Graduale simplex
19. Ở phần Nhập Lễ, Dâng Lễ và Hiệp Lễ, hát đối
ca với một hay nhiều câu Thánh vịnh dành cho dịp lễ ấy.
Đối ca được lặp lại sau
mỗi câu Thánh vịnh; tuy nhiên có thể tự do chọn lựa các câu, thậm chí bỏ bớt một
số câu chữ nào đó miễn là câu nói vẫn trọn vẹn. Ở cuối phần Nhập Lễ và Hiệp Lễ,
có thể hát “Sáng Danh Đức Chúa Cha” và “Như đã có trước vô cùng”, gộp hai câu
thành một, như được ghi ở phần “các cung giọng chung” [“Toni communes, tr.
435-445, bản gốc Latinh].
Khi Thánh vịnh được hát, phải sử dụng hai yếu tố đặc
biệt của các cung Thánh vịnh, đó là: bắt đầu, cung cuối của đối ca được nối với
cung chung của Thánh vịnh; và kết thúc, cung cuối của Thánh vịnh được nối với
cung đầu của đối ca.
20. Các bài hát xen giữa các bài đọc được sắp đặt theo
cách này:
Khi có hai bài đọc trước bài Tin Mừng, các bài hát được sắp đặt như
sau:
1) Ngoài Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, sau bài đọc thứ nhất thì hát đáp ca
thánh vịnh; sau bài đọc thứ hai, hát Allêluia với câu Thánh vịnh, hoặc đối ca
Allêluia với các câu của đối ca.
2) Mùa Chay, sau bài đọc thứ nhất: hát đáp ca
thánh vịnh đầu tiên; sau bài đọc thứ hai: hát đáp ca thánh vịnh còn lại, hoặc
hát đối ca tung hô, hoặc Ca Tiếp Liên Mùa Chay (Tractus).
3) Mùa Phục Sinh, sau
bài đọc thứ nhất: hát đáp ca thánh vịnh Allêluia thứ nhất hay thứ hai; sau bài
đọc thứ hai: hát đáp ca thánh vịnh Allêluia khác hay đối ca Allêluia với các
câu của đối ca. Khi chỉ đọc một bài trước bài Tin Mừng, thì chỉ hát một bài được
tuỳ ý chọn từ các bài hát thích hợp. Nhưng nếu có nhiều câu Thánh vịnh được đề
nghị và được tuỳ ý chọn, thì luôn luôn phải hát ít là năm câu.
21. Khi có nhiều
cấu trúc được trình bày cho cùng một mùa, thì có thể tuỳ ý chọn cấu trúc này
hay cấu trúc khác, nếu thấy là thích hợp hơn. Hơn nữa, cũng có thể kết hợp các
phần của một cấu trúc với các phần của một cấu trúc khác.
Ở phần Hiệp Lễ, Thánh
vịnh 33 Benedicam Dominum (Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa) luôn luôn có thể
hát với đáp ca Allêluia hay Gustate (Hãy nghiệm xem). Cũng có thể tuỳ nghi hát
các ca khúc thích hợp khác, như được ghi ở tr. 462 [bản gốc Latinh, Phần Alii
cantus ad communionem. Phần này không dịch – ND].(*)
(*) Lưu ý về ký hiệu cho
các tham chiếu số trang:
– LT = Bản gốc Latinh. Ví dụ: tr. 462LT = trang 462 bản
gốc Latinh;
– VN = Bản dịch tiếng Việt [file pdf]. Ví dụ: tr. 15VN = trang 15 bản
dịch tiếng Việt [theo bản pdf].
-------------------------------------------